Kế hoạch can thiệp của Hoa Kỳ Chiến_dịch_Campuchia

Khi người Pháp rời khỏi Campuchia năm 1954, Quốc trưởng Norodom Sihanouk nắm quyền. Tuy nhiên ông bị chống đối bởi phe Khmer xanh (ủng hộ Mỹ) lẫn phe Khmer Đỏ (ủng hộ Trung Quốc). Do những rắc rối ở Việt Nam gia tăng, ông cố gắng giữ cho đất nước một thái độ trung lập. Campuchia đồng thời có quan hệ ngoại giao với cả Mỹ và Trung Quốc.

Năm 1965, sau khi người Mỹ đưa quân vào Việt Nam bảo vệ Việt Nam Cộng hòa ông chuyển hướng sang ủng hộ Trung Quốc[3] đồng thời cắt đắt quan hệ ngoại giao với Mỹ và Anh[4]. Ông cũng đồng ý cho Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sử dụng các tuyến đường vận chuyển vũ khí vào miền Nam trên lãnh thổ Campuchia và cho phép Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam thiết lập các căn cứ dọc theo biên giới Việt Nam - Campuchia và tin tưởng Trung Quốc sẽ bảo đảm vị thế cho mình.

Sau Sự kiện Tết Mậu Thân, tướng William Westmoreland tìm kiếm sự ủng hộ cho việc tấn công truy quét các căn cứ của Quân giải phóng miền Nam và Trung ương cục miền Nam ở Campuchia. Lo ngại người Mỹ, Sihanouk cho phép họ được quyền truy đuổi Quân giải phóng, miễn là không người dân Campuchia nào bị ảnh hưởng. Người Mỹ đề xuất một chiến dịch đánh bom ngắn hạn xuống các căn cứ của Quân giải phóng miền Nam ở Campuchia dưới sự hỗ trợ tình báo từ người của Sihanouk, nhưng chiến dịch này lại kéo dài tới 14 tháng và làm Campuchia mất ổn định.

Khi còn là Phó Tổng thống Mỹ, Nixon đã coi Campuchia là một khâu trọng yếu trong việc giành thắng lợi ở Việt Nam. Khi làm Tổng thống Mỹ, Nixon đưa ra một kế hoạch nhằm biến Campuchia đang cắt đứt quan hệ ngoại giao với Mỹ, dựa vào sự ủng hộ của khối các nước Xã hội chủ nghĩa thành một quốc gia thân Mỹ. Còn Creighton Abrams, Tư lệnh quân Mỹ ở miền Nam Việt Nam thì cho rằng Campuchia là nơi đứng chân của Trung ương Cục miền Nam và Bộ chỉ huy Quân giải phóng miền Nam. Vì vậy, viên tư lệnh chiến trường này nhận định, nếu phá được "thánh đường Việt cộng" ở Campuchia, cách mạng miền Nam sẽ bị bóp nghẹt, chiến tranh Việt Nam sẽ kết thúc trong vòng một năm. Creighton Abrams đề nghị Nixon dùng B-52 đánh vào khu căn cứ 353 (vùng Móc Câu và Mỏ Vẹt bên kia biên giới Campuchia), nơi mà Creighton Abrams cho rằng Trung ương Cục miền Nam đang đứng chân.

Đề nghị của Abram được Nixon chấp thuận, bởi trong nhìn nhận của giới lãnh đạo Washington, "một cuộc chiến tranh không quân ở Campuchia có thể giữ bí mật mà vẫn đạt được các mục tiêu cắt đứt các đường tiếp tế và phá huỷ các căn cứ của địch. Quan trọng hơn cả là nó có thể buộc Campuchia bỏ chính sách lâu nay của họ"

Tháng 2-1969, sau gần bốn năm gián đoạn, Campuchia và Mỹ đã lập lại quan hệ ngoại giao ở cấp đại sứ. Chính Đại sứ quán Mỹ ở Phnôm Pênh cùng với Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) đã ủng hộ Lon Nol - một đại diện phái cực hữu trong Chính phủ Campuchia do Sihanouk làm Quốc trưởng, tiến hành các hoạt động quân sự tấn công Quân giải phóng miền Nam. Đầu năm 1970, thừa lúc Sihanouk đi dưỡng bệnh ở Pháp, Lon Nol và Sisowath Sirik Matak ra tuyên bố huỷ bỏ Hiệp định thương mại với Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòaCộng hoà Miền Nam Việt Nam, đóng cảng Sihanoukville không cho vũ khí, quân trang, quân dụng của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cập cảng này tiếp tế cho Quân Giải phóng Miền Nam Việt Nam. Ngày 13-3-1970, Lon Nol phát đi tối hậu thư đòi tất cả các lực lượng Quân giải phóng phải rời Campuchia trong vòng hai ngày. Hết thời hạn, theo yêu cầu của Lon Nol, không quân và pháo binh Mỹ bắn phá dữ dội vào các vùng dọc biên giới Campuchia - Việt Nam, nơi có các căn cứ kháng chiến của Quân giải phóng.

Giữa tháng 2-1969, lực lượng không quân chiến lược Mỹ được lệnh tiến hành các phi vụ B-52 đánh phá căn cứ 353. Ngày 18-3-1969, cuộc tiến công bằng B-52 mà phía Mỹ gọi là "hoạt động bữa ăn" được thực hiện nhằm vào khu vực dọc theo biên giới Campuchia - Việt Nam, khởi đầu cho việc leo thang mở rộng chiến tranh sang Campuchia. Từ đó, đất nước Campuchia bước vào một thời kỳ đầy biến động.

Trong hơn 1 năm (từ tháng 3-1969 đến tháng 4-1970), lực lượng không quân chiến lược Mỹ (B-52) đã thực hiện trên 3.630 phi vụ ném bom xuống Campuchia, chiếm 60% tổng số phi vụ B-52 trên chiến trường Đông Dương trong cùng thời gian đó.